QUY TRÌNH NỘI SOI ĐẠI TRỰC TRÀNG TOÀN BỘ ỐNG MỀM KHÔNG SINH THIẾT

1. ĐỊNH NGHĨA

Soi đại tràng là một kỹ thuật đưa một ống soi mềm qua hậu môn đi ngược lên đến manh tràng để quan sát toàn bộ niêm mạc đại tràng. Nếu cần thiết có thể tiến hành sinh thiết tổn thương ở đại tràng và một số thủ thuật như cắt polyp, lấy dị vật, tiêm cầm máu.

2. CHỈ ĐỊNH

2.1. Nội soi đại tràng chẩn đoán

– Người bệnh có tiền sử gia đình có người bị mắc ung thư đại tràng.

– Đi ngoài phân đen (soi dạ dày bình thường).

– Thiếu máu chưa rõ nguyên nhân.

– Test tìm hồng cầu trong phân dương tính.

– Iả chảy kéo dài chưa rõ nguyên nhân.

– Iả chảy cấp tính.

– Rối loạn phân.

– Rối loạn đại tiện.

– Kiểm tra những bất thường trên phim X-Quang khung đại tràng.

– Đau bụng không rõ nguyên nhân.

– Xuất huyết tiêu hóa thấp không rõ nguyên nhân.

– Soi kiểm tra định kỳ người bệnh có polyp, ung thư đại trực tràng.

– Bệnh túi thừa.

– Các bệnh viêm đại tràng.

2.2. Nội soi đại tràng điều trị

– Cắt polyp.

– Lấy dị vật.

– Cầm máu.

– Nong chỗ hẹp.

– Điều trị xoắn đại tràng.

2.3. Nội soi đại tràng theo dõi

– Sau cắt polyp.

– Có loạn sản nặng.

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Thủng đại tràng.

– Viêm phúc mạc.

– Suy tim.

– Người bệnh nhồi máu cơ tim mới.

– Mới phẫu thuật ở đại tràng, mổ ở tiểu khung.

– Phình lớn động mạch chủ bụng.

– Bệnh túi thừa cấp tính.

– Người bệnh có tắc mạch phổi.

– Tình trạng shock.

– Người bệnh đang có thai (3 tháng đầu và 3 tháng cuối).

4. CHUẨN BỊ

4.1. Người thực hiện

– 1 Bác sĩ có chứng chỉ nội soi đại tràng .

– 2 điều dưỡng phụ nội soi.

4.2. Phương tiện

– Máy nội soi đại tràng ống mềm : 01 máy.

– Nguồn sáng: 01 cái.

– Máy hút: 01cái.

– Kìm sinh thiết: 01 cái.

– Nước cất: 1 lít.

– Hóa chất:

+ Cidezyme: 0,004 lít.

+ Cidex OPA: 0,06 lít.

– Găng: 3 đôi.

– Gạc: 1 mét.

– Bơm tiêm 20 ml: 1 cái.

4.3. Người bệnh

– Chế độ ăn:

+ Ngừng các thuốc có chứa sắt 3-4 ngày trước soi.

+ Ăn chế độ ăn không có chất xơ 1 ngày trước soi.

– Làm sạch đại tràng bằng 2 cách:

+ Dùng thuốc nhuận tràng.

Chú ý: Nếu người bệnh có bán tắc hay tắc ruột không dùng thuốc nhuận tràng.

+ Phương pháp thụt rửa: Nếu người bệnh không uống được thuốc nhuận tràng hoặc người bệnh có bán tắc ruột, thụt sạch 3 lần trước khi soi.

Chú ý: Đối với người bệnh bị táo bón cần dùng thuốc nhuận tràng 03 ngày trước khi soi. Thuốc nhuận tràng có thể dùng thuốc có hoạt chất (lactulose, macrogol 4000…).

– Hỏi kỹ tiền sử dị ứng với các thuốc tiền mê, giảm đau, giảm nhu động.

– Người bệnh ký vào giấy đồng ý soi.

5. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Bước 1: Kiểm tra hồ sơ.

Bước 2: Kiểm tra người bệnh..

Bước 3: Thực hiện kỹ thuật.

  • Nguyên tắc chung

Bơm hơi vừa đủ và hút hơi thừa để tránh chướng hơi.

Đưa đèn vào nhẹ nhàng và chỉ đưa máy khi đã nhìn rõ đường.

Phải rút bớt máy và làm ngắn lại mỗi khi có thể thực hiện được.

Khi khó đưa máy phải thay đổi tư thế người bệnh.

  • Kỹ thuật soi

Tư thế người bệnh: nằm ngửa hoặc nghiêng trái.

+ Bước đầu tiên: thăm dò hậu môn, trực tràng rồi đưa đèn vào sau khi đã bôi trơn bằng mỡ lidocaine hoặc silicone, gel bôi trơn KY.

+ Đưa máy qua trực tràng: ít gặp khó khăn.

+ Đưa máy qua đại tràng Sigma: có 2 kiểu cuộn.

* Cuộn a: khi đầy máy, máy tiến lên cao, ra phái trước trực tràng, sau đó lại vòng xuống và ra sau. Phải hút hơi và quay đèn theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược lại và hút hơi.

* Cuộn kiểu g: thay đổi tư thế hút hơi và ép vào vùng hố chậu trái, bình thường góc trái cách hậu môn 40-70cm.

– Đưa máy qua góc lách: niêm mạc đại tràng vùng góc lách nhận biết dễ qua nội soi, khi khó đẩy đẻn phải rút đèn quay ngược kim đồng hồ hoặc thay đổi tư thế.

+ Qua đại tràng ngang: khi đoạn này quá dài phải hút bớt hơi và ép bụng ở vùng đại tràng Sigma…

+ Tới manh tràng: hút bớt hơi và ép vào vùng đại tràng ngang hoặc đại tràng Sigma, đại tràng góc lách và giữa bụng.

+ Qua van Bauhin: hướng đầu đèn xuống sâu hơn vị trí của van, sau đó bơm hơi căng manh tràng, rồi rút đèn lên tới mép van. Bơm hơi căng để mở lỗ van và đẩy đèn vào hồi tràng để nhận biết hồi tràng.

6. THEO DÕI

– Theo dõi mạch huyết áp và những triệu chứng như: đau bụng, chướng bụng, buồn nôn.

– Người bệnh có làm thủ thuật cần được theo dõi các triệu chứng báo động: đau bụng, ỉa ra máu.

7. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

7.1. Thủng đại tràng: hay gặp nhất (0.14%-0.2%)

– Vị trí hay thủng: đại tràng Sigma..

– Điều trị ngoại khoa là chính.

– Điều trị bảo tồn trong trường hợp đại tràng chuẩn bị rất sạch: hút sạch dịch, kháng sinh, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch. Theo dõi sát để phẫu thuật kịp thời.

7.2. Nhiễm khuẩn huyết: kháng sinh dự phòng ở người bệnh có nguy cơ cao: người bệnh phải thay van nhân tạo, người bệnh có suy giảm miễn dịch, xơ gan cổ trướng.

7.3. Trướng hơi nhiều: hút hết hơi.

7.4. Phản xạ dây X: Atropin.

8. TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quyết định 3805/QĐ-BYT ngày 25/09/2014, về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nội khoa chuyên ngành tiêu hoá”.
  2. Quyết định 3916/QĐ-BYT ngày 28/08/2017, về việc phê duyệt các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
  3. Căn cứ Quyết định 3023/QĐ-BYT, ngày 28/07/2023 của Bộ Y Tế về việc ban hành “Đề cương tài liệu chuyên môn Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *