ĐAU BỤNG Ở TRẺ EM

I. ĐẠI CƯƠNG

 Đau bụng là một triệu chứng chủ quan của người bệnh do xung động bệnh lý ở phủ tạng truyền vào thần kinh trung ương.

 Đau bụng cấp: là một chẩn đoán cấp cứu xảy ra nhanh, đột ngột, thời gian ngắn, ảnh hưởng cấp tính đến hoạt động của trẻ, thường phối hợp với các triệu chứng biểu hiện một nguyên nhân nội khoa hay ngoại khoa xác định.

 Đau bụng mạn tính hoặc đau bụng tái diễn không phải là một chẩn đoán mà là một triệu chứng do nhiều nguyên nhân gây nên được xác định khi trẻ 4 – 16 tuổi có những cơn đau bụng. Trên 3 cơn 1 tháng và tái phát kéo dài trên 3 tháng; đau bụng kéo dài làm ảnh hưởng đến những hoạt động bình thường của trẻ.

 Đau bụng mạn tính rất hay gặp ở trẻ em, trẻ lớn từ 1-9%, chủ yếu là đau bụng chức năng, chỉ có 8% liên quan đến thực thể.

II. NGUYÊN NHÂN

2.1. Nguyên nhân đau bụng cấp

2.1.1. Những nguyên nhân đau bụng ngoại khoa

– Viêm ruột thừa cấp tính

– Lồng ruột cấp tính

– Thoát vị bẹn nghẹt

– Các nguyên nhân gây tắc ruột, bán tắc ruột cấp tính: tắc ruột do giun, túi thừa Meckel, bã thức ăn

– Viêm phúc mạc tiên phát hoặc thứ phát

– U nang buồng trứng xoắn, Tératome xoắn, túi máu tử cung do không thủng màng trinh

– Xoắn tinh hoàn

2.1.2. Đau bụng cấp tính do nguyên nhân nội khoa

* Trẻ đau bụng có sốt:

– Viêm ruột cấp tính

– Viêm phổi thùy dưới phải

– Viêm hạch mạc treo

– Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

– Viêm gan do virus

– Viêm họng cấp

– Viêm mao mạch dị ứng

* Trẻ đau bụng không có sốt:

– Đau bụng giun thường gặp nhất

– Viêm loét dạ dày – tá tràng cấp tính, mạn tính

– Sỏi mật hoặc sỏi thận

2.2. Nguyên nhân đau bụng mạn

2.2.1. Nguyên nhân đau bụng mạn tính thuộc bộ phận tiêu hóa, gan mật

– Ruột kích thích tăng nhu động hay gặp nhất, ở mọi lứa tuổi nhất là bắt đầu từ 4 tuổi.

– Bệnh dạ dày – tá tràng

– Bệnh ký sinh trùng đường ruột

– Hội chứng bán tắc ruột

– Viêm loét chảy máu túi thừa Meckel

– Các khối u lành tính hoặc ác tính trong ổ bụng

– Các bệnh mật tụy có thể gặp ở trẻ em: sỏi đường mật, viêm tụy mạn tính, giãn đường mật bẩm sinh Kyste cholecloque, giãn hệ thống đường mật bệnh Karoli u nang giả tụy.

– Bệnh viêm mạn tính đại tràng

2.2.2. Đau bụng mạn tính liên quan tới bệnh tiết niệu

– Dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh

– Nhiễm trùng đường tiết niệu thấp tái phát nhiều lần ở trẻ gái.

– Sỏi đường tiết niệu

2.2.3. Đau bụng mạn tính liên quan tới bệnh phụ khoa

 Chu kỳ kinh sớm, túi màng tử cung do màng trinh không có lỗ, u nang buồng trứng, các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục.

2.2.4. Đau bụng do nguyên nhân tâm thần, rối loạn hành vi, đau tâm thể

– Thường gặp 90% đau bụng mạn tính ở trẻ lớn, gặp nhiều nhất lứa tuổi 8 – 12 tuổi.

– Không tìm thấy các dấu hiệu thực thể. Cần có can thiệp thích đáng về mặt tâm lý liệu pháp đối với trẻ và đối với gia đình.

2.2.5. Những nguyên nhân đau bụng mạn tính khác

– Các bệnh thần kinh hay gặp: u não, động kinh nội tạng

– Ngộ độc chì.

III. CHẨN ĐOÁN

a) Lâm sàng

* Hỏi bệnh

  • Tính chất của cơn đau

– Cách xuất hiện cơn đau: ngày, giờ liên quan với bữa ăn.

– Đột ngột (vài giây); nhanh (vài phút); từ từ (vài giờ).

– Vị trí khu trú của cơn đau lúc bắt đầu và hiện tại

– Cường độ cơn đau: nặng nếu trẻ phải ngừng chơi hoặc thức giấc.

– Yếu tố làm tăng cơn đau: đi lại, ho, hít vào sâu, đi tiểu.

– Yếu tố làm giảm cơn đau: nghỉ ngơi, nôn, ăn, tư thế co chống đỡ.

– Tiến triển cơn đau tức thời: giảm, tăng đau, không thay đổi.

– Tiến triển kéo dài liên tục, từng cơn.

  • Các dấu hiệu kèm theo

– Tình trạng toàn thân: sốt, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân.

– Triệu chứng tiêu hóa:

+ Buồn nôn, nôn ra máu

+ Rối loạn nhu động: táo bón, bí trung đại tiện

+ Tiêu chảy

– Hô hấp: sổ mũi, ho

– Tiết niệu: đái buốt, vô niệu, nước tiểu máu, sẫm màu

– Thần kinh: nhức đầu, rối loạn lưỡng tri

– Đau khớp, đau cơ

– Phát ban hoặc xuất huyết

– Dấu hiệu dậy thì: có kinh lần đầu tiên

– Hoàn cảnh gia đình:

+ Xung đột gia đình hoặc trẻ đi học có khó khăn học tập

+ Tiền sử cơn đau bụng cấp tính hoặc tương tự cơn đau của bệnh nhi trước đó.

* Khám lâm sàng

  • Khám bụng

Trẻ nằm ngửa, chân hơi co, bộ lộ bụng.

Quan sát: bụng có sẹo không? Trướng bụng khu trú hoặc lan tỏa, xem thành bụng di

động không?

  • Sờ nhẹ nhàng

Tay ấn bắt đầu sờ từ vùng không đau tới vùng đau và quan sát kĩ phản ứng của trẻ khi khám. Cần xác định:

– Mức độ mềm mại của thành bụng

– Tìm điểm đau khu trú của thành bụng

– Co cứng thành bụng toàn thể, co cứng khu trú. Tìm phản ứng thành bụng và cảm ứng phúc mạc

  • Gõ bụng

Tìm gõ vang khi bụng có trướng hơi, mất vùng đục trước gan khi thủng tạng, gõ đục để xác định có cổ trướng tự do hoặc khu trú hoặc các khối u

  • Nghe bụng bằng ống nghe

Tìm các tiếng óc ách khi hẹp môn vị, tiếng co bóp ruột mất đi khi bị liệt ruột, thiếu kali.

  • Kích thích thành bụng tìm các dấu hiệu rắn bò

Khi trẻ em bị tắc ruột, bán tắc ruột.

  • Thăm dò hậu môn

Cần tiến hành nhẹ nhàng, chậm, trẻ sơ sinh trẻ nhỏ dùng ngón út, thăm dò hậu môn xác định hậu môn có phân không? Tình trạng các túi cùng Douglas có căng đau không, xem phân có máu không, máu tưới, máu đen..

  • Khám toàn thân

Cần khám toàn thân một cách hệ thống:

– Khám da niêm mạc phát hiện tái nhợt, vàng da, thiếu máu, sốt phát ban.

– Khám xác định tình trạng sốc: mạch, huyết áp, nghe tim, tình trạng hô hấp, khám khớp tìm ban xuất huyết khớp, không quên thăm khám tai mũi họng. Khám toàn thân kết hợp với khám bụng và bệnh sử

b) Cận lâm sàng

* Công thức máu

* Xét nghiệm sinh hóa

– Máu lắng, CRP.

– GOT, GPT, Glucose máu, Ure, Creatinin, Lipase, Amylase.

– Nước tiểu 10 thông số

– Test nhanh xác định có thai

– Test nhanh xác định nhiễm liên cầu

* Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh

– Chụp X-quang bụng không chuẩn bị

– Chụp X-quang tim phổi

– Siêu âm ổ bụng

– Chụp CT ổ bụng

IV. ĐIỀU TRỊ

4.1. Nguyên tắc điều trị

– Mục tiêu điều trị một trẻ bị đau bụng cấp tính là không bỏ sót một bệnh cấp cứu ngoại khoa, chẩn đoán xác định nguyên nhân đau bụng cấp và điều trị theo nguyên nhân.

– Với đau bụng mạn tính mục tiêu không phải loại trừ hoàn toàn đau bụng, mà cần cho trẻ bắt đầu lại các phong cách sống bình thường như đi học đều, tham gia các hoạt động tại trường theo khả năng của trẻ.

4.2. Điều trị cụ thể

Phụ thuộc từng bệnh mà đưa ra quyết định điều trị khác nhau.

4.3. Theo dõi điều trị

 Theo dõi chặt chẽ và đánh giá lại diễn biến đau của trẻ cũng như các biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng.

V. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG

Đau bụng mạn tính đau bụng chức năng có tỷ lệ thuyên giảm tự nhiên rất cao, 30-70%. Tuy nhiên 25-66% trẻ đau bụng tiếp diễn hoặc xuất hiện thêm triệu chứng khác: đau đầu mạn tính, đau lưng, đau cơ, lo âu, rối loạn giấc ngủ suốt thời gian vị thành niên đến khi trưởng thành. 29% trẻ đau bụng chức năng xuất hiện hội chứng ruột kích thích ở tuổi trưởng thành.

VI. PHÒNG BỆNH

– Chế biến thức ăn vệ sinh và sạch sẽ.

– Biết và tránh những thực phẩm trẻ dị ứng và không dung nạp được.

– Cho trẻ bú mẹ và ăn đúng cách.

– Giữ vệ sinh cho trẻ.

VII. TIÊU CHUẨN NHẬP VIỆN

– Đau không chịu được

– Nôn nhiều

– Không uống được thuốc

– Đau bụng ngoại khoa

VIII. TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, Bệnh viện nhi Trung ương năm 2018, trang 1017-1022.
  2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, ban hành kèm theo quyết định số 3312/QĐ-BYT ngày 07/08/2015 của Bộ trưởng Bộ y tế, trang 344-349.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *