I. ĐẠI CƯƠNG
Là tình trạng tổn thương hệ thống cấu trúc và các thành phần của thanh – khí quản làm biến đổi hình thái giải phẫu và chức năng của thanh khí quản ở các mức độ khác nhau do các tác động cơ học từ bên trong hoặc từ bên ngoài thanh khí quản.
II. NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân chấn thương ngoài thanh khí quản:
− Chấn thương trực tiếp do một vật đụng dập vào vùng thanh khí quản.
− Vết thương do hỏa khí chiến tranh. Ngày nay thường gặp là do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động.
III. CHẨN ĐOÁN
3.1. Chẩn đoán xác định
3.1.1. Lâm sàng
Chấn thương hở thanh khí quản:
− Khí hoặc máu bắn ra theo nhịp thở từ vết thương.
− Khó thở.
− Khàn hoặc mất tiếng: chấn ththương dây thanh.
− Tràn khí dưới da.
− Khám vùng cổ có thể phát hiện thấy đường vào từ ngoài cho tới thanh khí quản qua đó có thể đánh giá được tình trạng tổn thương như: khung sụn bị gẫy vỡ hoặc mất, tình trạng rách, giập nát….
− Soi thanh quản gián tiếp: ít khi làm được do bệnh nhân không hợp tác.
Chấn thương kín thanh khí quản:
− Rối loạn phát âm: chủ yếu là khàn tiếng, gặp thường xuyên nhất.
− Khó thở.
− Đau: đau xuất hiện ở vùng thanh khí quản, đau lan lên tai hoặc đau tăng lên khi nuốt.
− Ho: triệu chứng ho khạc đờm lẫn máu sau chấn thương là dấu hiệu gợi ý có tổn thương trong lòng thanh khí quản.
− Tràn khí dưới da: Do hở trục thanh khí quản, có thể lan tràn lên khắp vùng cổ và mặt, thậm chí có thể gây tràn khí trung thất dẫn đến tử vong.
− Soi thanh quản gián tiếp: phát hiện niêm mạc phù nề, bầm tím hoặc tình trạng rách của niêm mạc vùng thanh quản, sự di động bất thường của hai dây thanh…
− Nội soi thanh khí quản ống cứng: chỉ thực hiện khi bệnh nhân không khó thở, cho phép đánh giá nhanh các tổn thương nông của niêm mạc vùng thanh quản và hạ thanh môn.
− Nội soi thanh khí quản ống mềm: chỉ thực hiện khi bệnh nhân không khó thở.
3.1.2. Cận lâm sàng
a, X-quang thường quy: có thể thấy hình ảnh đứt thanh thiệt, tràn khí dưới da, màng phổi, trung thất, tổn thương cột sống cổ.
b, Chụp cắt lớp vi tính vùng thanh khí quản: Có thể thấy hình ảnh vỡ các cấu trúc sụn của thanh quản như sụn giáp, sụn nhẫn, sụn khí quản. Chụp cắt lớp vi tính cung cấp tương đối đầy đủ các hình ảnh tổn thương của thanh khí quản trên các bình diện khác nhau và là bản đồ cho phẫu thuật và các định hướng can thiệp xử trí.
c, Các xét nghiệm khác: Ure, creatinin, GOT, GPT, đông máu cơ bản.
3.2. Chẩn đoán phân biệt
Chấn thương hạ họng (S10.1): có dấu hiệu tràn khí và ho khạc máu nhưng soi thanh khí quản không thấy có tổn thương.
IV. ĐIỀU TRỊ
4.1. Nguyên tắc điều trị
− Đảm bảo được hô hấp trong những trường hợp chấn thương gây khó thở mức độ nặng đe dọa tính mạng (mở khí quản hoặc đặt nội khí quản).
− Khôi phục lại một cách tối đa cấu trúc giải phẫu và sinh lý hô hấp – phát âm của hệ thống thanh khí quản.
4.2. Điều trị cụ thể (nội khoa, ngoại khoa)
4.2.1. Điều trị ngoại khoa
Điều trị cấp cứu:
– Mở khí quản cấp cứu trong những trường hợp có khó thở.
– Điều trị phục hồi chức năng bằng ngoại khoa
– Phẫu thuật nội soi can thiệp: Dùng soi treo thanh quản cố định lại khớp nhẫn phễu nếu có tổn thương, đánh giá lại đầy đủ tổn thương, nếu có rách niêm mạc có thể dùng dụng cụ vi phẫu khâu lại.
– Phẫu thuật chỉnh hình theo đường ngoài đơn thuần: chỉ định khâu phục hồi lại những vết rách niêm mạc, khâu cố định dây thanh vào sụn giáp.
– Phẫu thuật chỉnh hình theo đường ngoài phối hợp đặt nong: như phấu thuật đường ngoài đơn thuần nhưng kết hợp đặt ống nong.
– Khâu nối khí quản tận tận: được chỉ định trong trường hợp đứt tách rời nhẫn khí quản..
4.2.2. Điều trị nội khoa
Được chỉ định trong những trường hợp có tổn thương niêm mạc nông, không có biến đổi cấu trúc khung thanh quản và không có tình trạng khó thở mà phải can thiệp.
Các bước điều trị nội khoa bao gồm:
− Nghỉ ngơi tại giường.
− Không nói trong vài ngày để tránh làm tăng tình trạng phù nề và tụ máu.
− Thở oxy hỗ trợ.
− Làm mát và làm ẩm không khí để ngăn ngừa tình trạng xuất tiết.
− Chống phù nề bằng corticoid: methyprendnisolon, dexamethason.
− Kháng sinh chống nhiễm trùng, beta lactams, cephalosphorin thế hệ 2,3
− Thuốc kháng histamin H2 hoặc ức chế bơm proton chống trào ngược.
− Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch.
V. TIÊU CHUẨN NHẬP VIỆN
– Đảm bảo chức năng sống → chuyển viện
– Bệnh nhân có tổn thương nông, không có chấn thương vùng cổ
VI. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
– Những trường hợp không khó nội soi, không có tổn thương hoặc tổn thương nông thì có tiên lượng khả quan. Sau 24 – 48 giờ theo dõi điều trị nội khoa bệnh nhân có thể xuất viện sau khi đã soi kiểm tra đánh giá lại đường thở.
– Những trường hợp tổn thương vỡ phức tạp cấu trúc sụn và niêm mạc sẽ có tiên lượng nặng và dè dặt hơn bởi sinh lý và giải phẫu của thanh khí quản đã bị tổn thương nặng nề.
– Chấn thương thanh khí quản có thể gây ra biến chứng tử vong ngay do chấn thương làm dịch máu bít lấp vào đường thở hoặc do tràn khí trung thất gây ra ép tim.
VII. PHÒNG BỆNH
Hầu hết nguyên nhân chấn thương thanh khí quản trong thời kỳ hiện nay là do tai nạn giao thông, để phòng bệnh cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông cần có các phương tiện bảo hiểm, bảo hộ cần thiết và nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông.
VIII. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1, BỘ Y TẾ. (2016). HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH LÝ TAI MŨI HỌNG. Quyết định số 5643/QĐ-BYT ngày 31/12/2015, 220-224.
2, Quy trình huyết học, CRP… Quyết định 2017/QĐ – BYT quyết định về việc ban hành tài liệu” Hướng dẫn quy trình huyết học – truyền máu – miễn dịch – di truyền – sinh học phân tử, Bộ y tế 2014”.
3, Quyết định 320 – 2014/ QĐ/ BYT: Quyết định về việc ban hành tài liệu “ Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành hóa sinh 2014”.
Một số bài viết khác:
TẬP HUẤN PHÒNG CHỐNG BỆNH LAO, BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH VÀ HEN PHẾ QUẢN
TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG VỀ XỬ TRÍ ĐỘT QUỴ NÃO TẠI TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN TỨ KỲ
TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG VỀ XỬ TRÍ VIÊM PHỔI TRẺ EM
TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG VỀ XỬ TRÍ SỐT XUẤT HUYẾT TẠI TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN TỨ KỲ
QUY TRÌNH KỸ THUẬT KHÍ DUNG THUỐC GIÃN PHẾ QUẢN
QUY TRÌNH TIẾP ĐÓN NGƯỜI BỆNH